Thị trường kinh tế Phú Yên
Phú Yên nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, là vùng có lợi thế phát triển kinh tế hàng hóa, có dòng thu hút vốn và công nghệ nước ngoài. Tỉnh nằm trên trục giao thông xuyên quốc gia về đường sắt, đường bộ (QL 1A), có cảng hàng hóa Vũng Rô và sân bay Tuy Hòa; có đường quốc lộ 1D nối với thành phố Quy Nhơn – tỉnh Bình Định và được xem là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên với đường QL 25 nối với Gia Lai và ĐT 645 nối với Đắk Lắk.
Thị trường kinh tế tại Phú Yên
Những điều kiện thuận tiện về vị trí địa lý cũng như giao thông đã tạo cho tỉnh Phú Yên có khả năng phát triển ngành thương mại và dịch vụ trong đó có dịch vụ du lịch. Phú Yên có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú đa dạng với gần 200 km đường bờ biển với nhiều vịnh, đầm, vũng và bãi biển đẹp, lại nằm, phía Tây hoặc phía Nam là những khu rừng quốc gia rộng hàng ngàn hecta, nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật đặc hữu quý hiếm; cùng với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 13 di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia được bảo tồn suốt chiều dài lịch sử 400 năm của tỉnh.
Trong những năm qua, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm, từ trên 3.176 tỷ đồng năm 2005 lên 7.360,6 tỷ đồng năm 2009, bình quân tăng 23,6%/năm. Trong đó: Kinh tế Nhà nước tăng bình quân 9,7%, Kinh tế tập thể, tư nhân và cá thể tăng 25,1%/năm. Tính riêng trong năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh đạt 9.436,2 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Phấn đấu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt trên 23-24%/năm.
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động xuất khẩu tăng cả về kim ngạch, số lượng hàng hóa và thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2005-2009 là 377,5 triệu USD, tăng bình quân 14,5%/năm, trong đó hàng địa phương tham gia xuất khẩu đạt 373,4 triệu USD, tăng 17,2% chiếm tỷ trọng 98,9% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gỗ, hạt điều, dệt may, tiểu thủ công nghiệp... Hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa đi 22 nước, chủ yếu là thị trường Châu Âu (Anh, Tây Ban Nha, Đức), Mỹ, Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Singarpore) và Châu Đại Dương. Hoạt động nhập khẩu trên địa bàn tỉnh hiện nay tập trung chủ yếu vào các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng (lương thực, thực phẩm, y tế...). Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2005-2009 đạt 374,1 triệu USD, có xu hướng giảm dần trong những năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm đạt 23-24%/năm, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 350 triệu USD.
Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và đi lại của nhân dân, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Các tuyến xe buýt đã được mở rộng đến tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, luồng tuyến được duy trì ổn định, đặc biệt là các tuyến lên các huyện miền núi.Vận chuyển hành khách tăng 6,2%, vận chuyển hàng hóa tăng 13,7%, doanh thu đạt 833 tỷ đồng tăng 21,2% (2010), trong đó kinh tế ngoài Nhà nước (cá thể, tư nhân) có đóng góp lớn, chiếm trên 98% doanh thu. Dịch vụ thông tin - truyền thông tiếp tục phát triển về cơ sở vật chất và phạm vi hoạt động, chất lương dịch vụ được nâng cao và chi phí dịch vụ giảm dần.
Là tỉnh có rất nhiều lợi thế về du lịch nhưng lại chưa được nhiều du khách biết đến. Để khắc phục điều đó, trong năm 2010 Phú Yên đã tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng cùng với nhiều hoạt động quảng bá cho lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên gắn với năm Du lịch quốc gia về biển đảo 2011 để thu hút du khách đến với Phú Yên. Lượng khách du lịch năm 2010 ước đạt 312.500 lượt, tăng 35% so với năm 2009, trong đó khách du lịch quốc tế 12.000 lượt, tăng 20%; doanh thu du lịch là 249,5 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ; công suất sử dụng phòng cũng đạt 50%. Dự kiến đến năm 2015, khách du lịch đến Phú Yên đạt khoảng 850.000 lượt khách, tăng bình quân 22,2%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 10-12%; năng lực phòng khách sạn tăng thêm 1.500-2.000 phòng.
Trong thời gian tới, tỉnh có kể hoạch nâng cao chất lượng các dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ mà tỉnh có thế mạnh như du lịch, vận tải. Tập trung đầu tư các tuyến, điểm du lịch, nhất là các di tích, danh thắng quốc gia, tổ chức tốt các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2011 khu vực duyên hải miền Trung tại Phú Yên. Tiếp tục tạo điều kiện xây dựng các thương hiệu mạnh trong dịch vụ vận tải và xe buýt; phối hợp với ngành hàng không khai thác nâng hiệu quả các tuyến bay và nâng tần suất bay 2 đường bay Tp. Hồ Chí Minh – Tuy Hòa lên 2 chuyến/ngày, và Hà Nội – Tuy Hòa từ 5 chuyến lên 7 chuyến/tuần.
Phú Yên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ngành dịch vụ trong năm 2011 là 13,7%/năm, và tăng tỷ trọng dịch vụ trong GDP lên trên 39,1% vào năm 2015.
Tham khảo nhiều nguồn